CHUYẾN HỌC TẬP TRẢI NGHIỆM THÚ VỊ CỦA LỚP TENG - K56 TẠI BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM
“ Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam ”.
Đây là hai câu thơ trong tác phẩm “ Lịch sử nước ta ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bác nói “ cho tường ” nôm na nhưng thật sâu sắc: Phải biết lịch sử một cách tường tận, rõ ràng, cụ thể. Chúng tớ TenG - K56 - Trường THPT Văn Lâm, được sự đồng ý của lãnh đạo nhà trường, Hội CMHS, cô chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Hà và cô giáo dạy môn Lịch sử Bùi Thị Dinh đã đồng hành cùng TenG học tập trải nghiệm tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nhân dịp kỉ niệm 133 năm ngày sinh của lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).
Được thành lập vào ngày 17/7/1956, bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - được mệnh danh là “ cuốn sử sống ” có tác dụng to lớn đến việc giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta cho người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ. Nơi đây trưng bày những hiện vật, hình ảnh, hiện vật về lịch sử quân sự Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến thời đại Hồ Chí Minh; đặc biệt là những hiện vật, hình ảnh về cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trường kỳ gian khổ của quân dân ta cho đến tận ngày giải phóng. Các bạn biết không? Mặc dù cái thời tiết nắng nóng thực sự “ sốc nhiệt ” ngày hôm đó nhưng nhưng được tận mắt thấy xác máy bay, xe tăng, súng thần công và nghe những câu chuyện gắn liền với hiện vật, chúng tớ vô cùng hào hứng. Thiết nghĩ đây là cách để học sinh tiếp cận và học lịch sử một cách dễ hiểu, dễ nhớ nhất.
Nghe hướng dẫn viên tường thuật lại trận Điện Biên Phủ “ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu ” của một dân tộc anh hùng, một trận chiến đấu mà cả thế giới đoán sai kết quả, trận chiến gian khổ “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm ” đã làm lên tên tuổi của đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chúng tớ còn được chiêm ngưỡng tận mắt 4 Bảo vật Quốc gia, gồm máy bay MiG-21 số hiệu 4324, máy bay MiG-21 số hiệu 5121, Bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh và xe tăng T-54B số hiệu 843 và nhiều trang thiết bị độc đáo còn sót lại của thời chiến như xe tăng T-54B, xe đạp thồ, những trang thiết bị gia đình tưởng như không có ý nghĩa với cuộc chiến đều được mang xuống đường làm công sự để chặn bước tiến của kẻ thù. Hưởng ứng lời kêu gọi “ Toàn quốc kháng chiến ” của Hồ Chủ Tịch: “ Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc ”, những chiến sĩ ôm bom ba càng xông vào đội hình địch, nát thân nhắm mắt còn ôm... Một nhà văn hóa Pháp đã từng viết rằng: “ Một dân tộc mà biết hy sinh cả tôn giáo và sự tự tôn của mình. dân tộc đó nhất định thắng lợi!”.
Đến với mô hình địa đạo Củ Chi - “ Thành phố dưới lòng đất ” được đào sâu tới 10m và qua 2 cuộc kháng chiến lớn, địa đạo được mở rộng và kéo dài tới gần 300 km, phía dưới sâu được xây dựng phòng họp, giếng nước ăn, nhà trẻ và trạm y tế … đảm bảo cho quân và dân ta hoạt động bình thường như trên mặt đất mà không bị địch phát hiện. Sau năm 1966, Mỹ ngụy đã nhận ra rằng ở Củ Chi có địa đạo, chúng đã nghi ngờ nhưng không nhận ra cánh đồng nào, xã nào có địa đạo và cấu trúc ra làm sao? Chính vì vậy mà suốt một thời gian dài, địch liên tục tấn công đánh phá vùng căn cứ và hệ thống địa đạo mà chúng nghi ngờ hết sức khốc liệt, bằng những thủ đoạn như: Bơm nước vào lòng địa đạo, dùng đội quân “ chuột cống ” đánh phá, dùng chó bécgiê săn lùng phát hiện địa đạo để phá, dùng xe cơ giới ủi phá …
Được xem những thước phim đen trắng hào hùng nhưng cũng không kém phần cảm động về những dấu mốc lịch sử chói lọi của nước Việt Nam ta. Đặc biệt hơn cả, chúng tớ còn được hiểu thêm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một trong những vị tướng làm sáng danh đất Việt, là người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, là Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trải qua những năm tháng chiến tranh liên miên, đánh đổi biết bao nhiêu mồ hôi, xương máu của những người con Việt Nam anh hùng dũng cảm, cùng với khát vọng giải phóng dân tộc, cuối cùng thì chúng ta cũng có được hòa bình tự do như hiện tại, từ đó góp phần tạo cơ hội để người dân được ấm no, đất nước phát triển, thịnh vượng. Đúng vậy, những sự hi sinh anh dũng, kiên cường chiến đấu bền bỉ tới cùng, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước ấy đều được thể hiện rõ qua câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dân ta có một lòng yêu nước nồng nàn"…
Qua buổi trải nghiệm này, chúng tớ lại càng thêm yêu Đất nước Việt Nam, yêu con người Việt Nam, yêu từ những điều đơn giản, chân thật nhất, nhiều kiến thức lịch sử và hơn hết cho chúng tớ thấy lòng tự tôn dân tộc, tinh thần chiến đấu rằng: “ Việt Nam ta chưa bao giờ kiêng nể bất kì kẻ xâm lược nào, chúng ta có thể thua kém về sắc vóc nhưng trí tuệ và sức mạnh sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước đây, bây giờ và tương lai cũng vẫn sẽ như vậy ”.
Một lần nữa xin trân thành cám ơn cô Nguyễn Ngọc Hà giáo viên chủ nhiệm lớp và cô Bùi Thị Dinh giáo viên môn Lịch sử đã tạo điều kiện cho chúng em được tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Dưới đây là một số hình ảnh của buổi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam:
Tập thể 10G – K56 – GVCN: Cô Nguyễn Ngọc Hà – GVBM: Cô Bùi Thị Dinh